“Dành cho thế hệ trẻ, những người sẽ xây dựng một nền văn minh mới”

Muhammad Yunus đã bắt đầu quyển sách này bằng câu nói đó. Thế giới ba không chính là đại diện cho tầm nhìn của ông về tương lai nhân loại, một thế giới KHÔNG NGHÈO ĐÓI, KHÔNG THẤT NGHIỆP VÀ KHÔNG Ô NHIỄM.

Đó có phải là một giấc mơ viển vông? Không hề. Trong suốt một thập kỷ tính từ lần đầu tiên Yunus nêu lên quan điểm của ông về một hình thức mới của chủ nghĩa tư bản, hàng ngàn công ty, tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới đã ủng hộ tầm nhìn này. Từ Albania đến Colombia, Ấn Độ đến Đức, Pháp đến Malaysia, Haiti đến Campuchia, các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh đang được tạo ra với cam kết giảm nghèo, cải thiện giáo dục và chế độ chăm sóc sức khỏe, làm sạch ô nhiễm và cung cấp các nhu cầu thiết yếu khác của con người một cách khéo léo, sáng tạo dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong Thế giới ba không, Yunus mô tả một nền văn minh mới đang dần hình thành từ các thí nghiệm kinh tế của ông đã truyền cảm hứng và đưa ra nhiều thách thức cho những người trẻ tuổi, các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân và những người dân bình thường dám chấp nhận sứ mệnh loại bỏ hậu quả nguy hiểm và không thể lường trước của chủ nghĩa tư bản tự do (unrestrained capitalism), từ đó mở ra viễn cảnh tốt đẹp cho con người.
Muhammad Yunus, nhà kinh tế học người Bangladesh, từng học tại Trường Đại học Dhaka và được trao học bổng Fulbright để học kinh tế tại Đại học Vanderbilt. Năm 1972, ông trở thành người đứng đầu Ban kinh tế Đại học Chittagong. Ông là người sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành của Ngân hàng Grameen, một ngân hàng tiên phong về tín dụng vi mô đã giúp hàng triệu gia đình trên thế giới thoát khỏi đói nghèo. Năm 2006, Yunus được đồng trao tặng Giải Nobel Hòa bình với chính ngân hàng của ông.

NỘI DUNG SÁCH


Muhammad Yunus mở đầu sách bằng “Sự thất bại của chủ nghĩa tư bản”, nơi ông giải thích điểm thất bại cốt lõi của Chủ nghĩa tư bản: đó là sự hiểu lầm về bản chất con người – Trong chủ nghĩa tư bản, con người rất ích kỷ và chỉ biết tìm kiếm lợi ích của chính mình.

Yunus đề xuất một tầm nhìn khác dựa trên cách mọi người dành thời gian và tiền bạc để giúp đỡ người khác, những người mạo hiểm cuộc sống của họ để giúp đỡ người khác. Đây là cơ hội tuyệt vời của doanh nghiệp xã hội (social business): một doanh nghiệp có mục tiêu cốt lõi không phải là kiếm tiền mà tạo ra sự ảnh hưởng đến cuộc sống con người.
Vậy “Thế giới Ba không” theo quan điểm của Yunus là gì
1. KHÔNG NGHÈO ĐÓI

Khi bạn không có đủ nguồn lực để phát triển. Lúc ấy, bạn bước vào bánh xe nghèo đói. Toàn thể loài người đang sống trong thời đại của thịnh vượng lệch lạc, được tiếp tay một phần bởi các cuộc cách mạng về kiến thức, khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Sự thịnh vượng này đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều người. Tuy nhiên hàng triệu con người vẫn đang chịu đựng đói, nghèo và bệnh tật. Và trong thập kỷ vừa qua, một số cuộc khủng hoảng lớn đã đã gom góp sức mạnh rồi gây ra sự khốn khó và thất vọng nặng nề hơn nữa cho 4 tỷ người nằm ở lớp dưới của xã hội.
2. KHÔNG THẤT NGHIỆP


Nghiên cứu cho thấy rằng thất nghiệp ở thanh niên không phải là vấn đề nhất thời. Những người trẻ trải qua vài năm không làm việc, hoặc làm các công việc có lương thấp mà không có tương lai phát triển, phải chịu các hậu quả kéo dài cả đời. Bất chấp họ làm việc chăm chỉ như thế nào, họ sẽ không bao giờ có thể chuyển sang con đường nghề nghiệp được trả thu nhập tốt hơn, có an sinh trọn đời, và mở ra cơ hội cho thế hệ kế tiếp.

Trong các chuyến thăm của Yunus dành cho thanh niên trên khắp thế giới, ông gặp hằng hà các thanh niên và thanh nữ sáng sủa, giàu nghị lực đang cảm thấy bị mắc kẹt vào các giới hạn của nền kinh tế và các chính sách khiếm khuyết hiện nay. Bị thất nghiệp và thiếu việc làm, họ không thể mua được nhà hay lập gia đình – càng không thể trả lại hàng chục ngàn đô la khoản vay thời sinh viên mà họ vẫn thường phải gánh. Họ thắc mắc họ đã làm gì sai và tại sao thế giới lại không dùng gì đến tài năng của họ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, các nhà kinh tế như Ludovic Subran ở Tây Ban Nha đã than vãn: “Cả một thế hệ đang bị hy sinh”. Chúng ta không thể chỉ ngồi và nhìn cả thế hệ thanh niên rơi xuyên qua những vết nứt của lý thuyết kinh tế chỉ bởi vì chúng ta quá rụt rè khi nghi vấn sự khôn ngoan của các lý thuyết gia. Chúng ta cần thiết kế lại lý thuyết của mình bằng cách nhìn nhận những tiềm năng vô hạn của con người, thay vì trông chờ “bàn tay vô hình của thị trường” sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải thức tỉnh trước thực tế là “bàn tay vô hình” là vô hình bởi vì nó không tồn tại – hoặc là, nếu nó thật sự tồn tại, thì nó chỉ phục vụ cho người giàu, một cách vô hình.
3. KHÔNG Ô NHIỄM


Lịch sử chứng minh rằng khi người ta theo đuổi các chính sách hủy hoại môi trường thì người nghèo phải chịu đựng nhiều nhất. Trong thế giới phát triển, các chính trị gia, các nhà chính sách và các lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng chọn đặt các nhà máy và công trình gây ô nhiễm, nguy hiểm, độc hại và hủy hoại ở trong các cộng đồng nội người nghèo sinh sống. Ở quy mô toàn cầu, các công ty quốc tế thấy rằng đặt công nghiệp bẩn ở các nước nghèo là rẻ và dễ hơn. Khi người dân của một quốc gia điên cuồng vì việc làm và thu nhập thì các chính trị gia dễ dàng bỏ qua vấn đề về môi trường và xóa bỏ hay không thực thi các luật lệ ngăn ngừa ô nhiễm. Kết quả có thể là có việc làm cho người nghèo – tuy nhiên chúng thường là các việc làm bẩn, nguy hiểm và tàn phá làm cho cộng đồng người nghèo còn tồi tệ hơn trước.

Các tội ác về môi trường chống lại người nghèo này vừa là hậu quả của sự bất bình đẳng toàn cầu, vừa là nguyên nhân của nó, bởi vì ô nhiễm tràn lan khiến cho các nước nghèo thậm chí còn khó giải phóng chính họ ra khỏi đói nghèo hơn nữa. Đấy là một ví dụ nữa cho thấy bằng cách nào người nghèo phải chịu đựng các vấn đề mà toàn thể loài người gây ra. Mẫu hình này nhấn mạnh tại sao việc tấn công tất cả các vấn đề cùng một lúc lại quan trọng – bởi vì cái này gây ra cái kia.