Minh triết trong ăn uống của phương đông

Sau khóa học Thực dưỡng – Thanh lọc cơ thể của Tiến sĩ, Lương y Ngô Đức Vượng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 vừa rồi, tôi có tổng kết lại bằng sơ đồ để chia sẻ với mọi người trong lớp học những nội dung hữu ích và vô cùng giá trị về những nguồn năng lượng nuôi dưỡng chúng ta (hơi thở, thức ăn, nước uống, phương pháp massage, bấm huyệt, thanh lọc, thải độc và các lưu ý về phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh). Được sự đón nhận của mọi người, nên tôi muốn chia sẻ đến với nhiều người hơn, để ai ai cũng có một cơ thể khỏe mạnh, một tâm thái bình an và một cuộc sống hạnh phúc, nhất là khi chúng ta đang trong thời điểm nhiều biến động này!

Lâu nay, mọi người ai cũng biết tầm quan trọng của hơi thở với những dẫn chứng như: con người có thể nhịn ăn trong một tháng, nhịn uống trong vài ngày nhưng không thể nhịn thở trong 1 giờ. Nhưng chúng ta đã biết cách thở đúng và làm chủ hơi thở của mình chưa? Và thở như thế nào để mang lại năng lượng và sinh khí cho cơ thể?

Con người là một tiểu vũ trụ, các cơ quan trong cơ thể là một thể thống nhất không thể tách rời được. Cơ thể chúng ta rất thông thái, không thể tự hại mình nhưng trong nhịp sống hiện đại, cách ăn uống và lối sống hưởng thụ (con người tìm thấy những khoái lạc trong miếng ăn, cùng với thói quen sinh hoạt bất hợp lý, sai lầm) đã mở đường cho rất nhiều bệnh tật xảy ra.

Cho nên, vấn đề trước tiên và cốt lõi nhất của phương pháp phòng, chữa bệnh phải là ăn uống hợp lý.

"Ăn uống quân bình Âm – Dương chính là thuận theo quy luật của tự nhiên và vũ trụ, sẽ khỏe mạnh, trẻ trung, thông minh, trường thọ,…

Do vậy, ăn uống những gì, ăn như thế nào là tiêu chuẩn đơn giản nhất, quan trọng và chính xác nhất để thẩm định sự hiểu biết, trình độ văn hóa, mức giác ngộ và nhân cách con người.

Từ ngàn xưa đã xuất hiện và lưu truyền nhiều câu nói lừng danh về tầm quan trọng của việc ăn uống:

-          Cái quý giá nhất của đời người là sức khỏe, mà sức khỏe là do thức ăn tạo ra

-          Thầy thuốc đầu tiên của mọi người là nấu ăn

-          Gian bếp là hiệu thuốc, người nấu ăn là dược sĩ

Đông Phương học xem sinh vật nói chung, con người nói riêng là những thực phẩm được biến cải thành. Vì vậy, hàng ngàn năm trước đây, các đạo sĩ Yoga và các bậc hiền triết đã chỉ ra: Cả cơ thể lẫn tâm trí đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những thứ người ta ăn vào.

Hippocrates, ông tổ của Y học phương Tây đã nói:

Thức ăn của bạn phải là thuốc của bạn và thuốc của bạn phải là thức ăn của bạn”.
(Trích dẫn từ: Minh triết trong ăn uống của Phương Đông - Lương y Ngô Đức Vượng)

Đặc biệt, trong khóa học Thực dưỡng – Thanh lọc cơ thể, thầy Ngô Đức Vượng đã chia sẻ: ăn uống đúng cách có thể phòng và chữa được mọi bệnh.

Thầy đã đưa ra các dẫn chứng rất thực tế, sinh động, dễ hiểu và vô cùng thuyết phục, như:

Bức tường được xây dựng bằng xi măng thì khi tường bị đổ phải được xây lại bằng xi măng, cái bàn, cái ghế được đóng, được tạo nên từ gỗ thì khi bàn hỏng phải được sửa chữa bằng nguyên liệu là gỗ, quần áo chúng ta mặc mà bị rách thì phải được may vá lại (đắp lại) bằng vải.

Cũng vậy, cơ thể con người được nuôi dưỡng từ thức ăn nên khi cơ thể bị bệnh tật cũng phải được tự chữa trị từ chính thức ăn.

Ông cha ta tổng kết: “Bệnh tòng khẩu nhập”

Nay chúng ta phải phấn đấu: “Sức khỏe tòng khẩu nhập”

Ngoài việc nhận thức đúng về vai trò và  thực hành về hơi thở, ăn - uống đúng cách, chúng ta cũng cần lưu ý đến cách massage, bấm huyệt, thải độc, thanh lọc cơ thể và phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh. (Mọi người có thể đọc quyển sách Minh triết trong ăn uống của Phương Đông  và tham khảo các khóa học của thầy để hiểu rõ hơn).


    Tôi hy vọng qua những chia sẻ nhỏ này sẽ giúp mọi người có thêm thông tin và đưa kiến thức vào thực hành trong đời sống để mỗi cá nhân, mỗi căn bếp là nơi lan toả sức khoẻ, sự am hiểu và tình yêu thương trong mỗi gia đình!


Minh Ngọc (Ngọc lắng tâm)

Bài mới nhất
Next Article
happy stories, happy life, startup, creative